Mái Ấm: Trần Chí Khánh – Tiền Giang

Địa chỉ: Tổ 10B, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Thành viên trong gia đình.

Chủ hộ: Trần Chí Khánh (28 tuổi)

Vợ và 1 bé 7 tuổi và người cậu 60 tuổi

Hoàn cảnh gia đình:

Trước khi đến nhà anh Khánh, nhóm khảo sát gọi điện thoại báo trước, nghe giọng anh chúng tôi phần nào đoán được anh là người hiền lành và có đôi phần nhút nhát. Quả thực vậy, đón chúng tôi ở đầu đường, anh cười hiền “Mình đi bộ chứ xe không vào được!” Vậy là chúng tôi theo chân anh, vượt qua những cánh đồng và cả … nghĩa địa, đi bộ rất lâu mới tới. Nhà anh là một “căn chòi” nhỏ dựng bằng tole. Ngồi trò chuyện, chúng tôi mới nhìn kỹ anh: mắt trũng sâu, đen nhẻm, gầy guộc vì lao động quá sức. Chúng tôi hỏi về ba mẹ anh. Anh Khánh cúi mặt xuống, kể buồn: ba má bỏ từ lúc anh lên 9, rồi ai cũng có gia đình và có con riêng với người mới, để anh cho bà ngoại. Hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Nhà ngoại không có đất vườn, không có ruộng, ngoại bán tàu hũ nuôi anh ăn học (tới ấp này hỏi nhà bà Sáu Tàu Hũ ai cũng biết). Anh học tới lớp 9, thấy ngoại già quá, khổ quá, nên anh ở nhà phụ ngoại, năm 17 tuổi bắt đầu theo người ta đi làm thợ thạch cao nuôi ngoại. Nhưng vì chứng sợ độ cao nên thu nhập của anh không được khá, chỉ làm thợ phụ khoảng 100 ngàn một ngày. Vì không có ruộng nên cả nhà anh (vợ, con trai, cậu ruột và bà ngoại) phải mua gạo ăn từng bữa, thùng gạo trong nhà chẳng bao giờ dư để nấu qua ngày thứ 2. Nhưng cả gia đình sống bên nhau rất vui vẻ.

Bà Ngoại mất cách đây 4 năm, còn nợ nhà nước 5 triệu mãi chưa trả được, giờ anh tiếp tục trả, anh cũng tiếp tục thay Ngoại chăm sóc cho người cậu đã lớn tuổi đang nằm viện. Nhà vợ anh cũng nghèo, dù khó khăn nhưng anh cười rất hạnh phúc vì có vợ con bên cạnh.

Nhà anh Khánh

Thùng gạo luôn thiếu!

  • Hỏi: anh có nhậu nhẹt hút thuốc không?
  • Anh cười: Không! Đi làm về rồi là chơi với con, tui thương nó lắm.

Hỏi vậy chứ chúng tôi cảm nhận được tình yêu đối với gia đình của anh. Từ nhỏ đã bị ba má bỏ rơi nên giờ anh muốn chăm lo cho con thật tốt, để nó không giống mình – phải lẻ loi từ thuở ấu thơ.

Chia tay anh ra về, chúng tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt anh buồn xa xăm khi anh ngập ngừng nói: ba má chia tay để anh cho ngoại. Chúng tôi không dám hứa hẹn về việc xét duyệt nhà mà chỉ nhắn gửi những lời hỏi thăm, mong anh luôn nghị lực trong cuộc sống – trở thành mái nhà vững chãi cho con anh. Vì nhà của con chính là ba!

Đại sứ Kim Hậu

Trả lời