Mái Ấm: Huỳnh Thanh Sang – Kiên Giang

Địa chỉ: Ấp Xẻo Dầu, xã Hòa An, Huyện Giồng Riềng, Kiên Giang

Thành viên trong gia đình.

Chủ hộ: Anh Huỳnh Thanh Sang. (32t)

Vợ và 2 con (1 bé 6 tuổi và 1 bé 2 tháng tuổi)

Hoàn cảnh gia đình.

Lần đầu tiên khoác trên mình chiếc áo đại sứ tôi mới thật sự cảm nhận cái nghèo của bà con mình, đặc biệt là các anh thợ thi công ở vùng sông nước Kiên Giang xa xôi này. Sinh ra trong một gia đình 10 anh em, anh Huỳnh Thanh Sang vẫn ngày đêm làm việc không ngừng nhưng anh vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo.

Mất hết 30 phút đi bằng vỏ lãi chúng tôi mới đến được với nhà của anh. Thật sự ngỡ ngàng với tôi, căn nhà nơi gia đình anh sống chẳng có gì cả, chỉ có được chiếc giường tre để ngồi nói chuyện mọi thứ đều cũ kĩ và mụt nát theo thời gian.

Không khí nói chuyện của buổi chiều hôm ấy bao trùm trong một căn nhà nhỏ thấp chỉ vỏn vẹn 40 m2. Tình cờ được anh Sang ở nhà tiếp chuyện với chúng tôi, vì thương vợ con mới sinh 2 tháng bị bênh, anh Sang bảo anh phải nghỉ làm để lỡ xảy ra chuyện gì thì anh có thể đưa con lên trạm xá khám bệnh kịp thời. Đường vào nhà quá xa lại khó khăn mà anh Sang cũng không có phương tiện gì đi lại. Hằng ngày đi làm anh phải đi vỏ lãi 30 phút rồi sau đó đi nhờ xe máy với một anh thợ bạn mới đến được công trình.

Với tính tình hiền lành của chàng trai miền tây, với vẻ thật thà chất phát, tôi có thể phần nào hiểu được cái nghèo mà vợ chồng anh Sang đang gặp phải. Là đàn ông đi làm nhưng anh chia sẻ từ khi lấy vợ tới giờ chưa dám ngồi uống 1 ly cà phê nữa. Con trai lớn của anh hiện đang ở tuổi đi học nhưng anh chị cũng không có đủ tiền để đóng học phí lấy đâu ra tiền mua tập vở, quần áo cho con. Trao đổi với vợ anh mà tôi không cầm nước mắt, chị chia sẻ: em không có tiền cho con em đi học, nó về nó hỏi : mẹ ơi, khi nào con được đi học,  sao bạn con đi học kìa mẹ. Câu hỏi trẻ thơ làm chị ngậm ngùi chỉ biết an ủi con rằng “mai mốt rồi mẹ cho con đi học”. Tận sâu khóe mắt của người mẹ, tôi hiểu được rằng mẹ muốn cho con đi học lắm, nhưng nhà mình nghèo quá con à!

Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện với vợ chồng anh, ấy thế mà nhiều sự sẻ chia tuy mộc mạc giản dị nhưng lay động cả lòng người: “chị ! ảnh trồng bạch đàn phía trước đó chị, ảnh nói khi nào bạch đàn lớn thì  sẽ thay cho mấy cây cột nhà đã mụt, nhưng với tình hình như thế này chắc nó lớn không kịp quá chị ơi. Trải qua 6 năm, căn nhà lá ấy đã gắn bó với vợ chồng anh với biết bao mưa gió, căn nhà rất ẩm thấp, nền đất, vách và mái lá đã bị mói mọt và dột nát khá nhiều chỗ.

Ở cái vùng sông nước này, không nhà vệ sinh, không nước sạch để sinh hoạt thâm chí vào những tháng nắng anh Sang phải lấy nước sông lên nấu uống. Với dáng người nhỏ nhắn và bị cụt 1 ngón tay trỏ bên trái, không biết chữ chỉ làm thợ phụ, anh Sang vẫn không ngừng lao động và cố gắng, khi không có công trình thì việc gì anh cũng làm từ phụ hồ tới soi chuột, có hôm đến 2h khuya mới về,  nhưng bán chỉ được vài chục nghìn đồng là nhiều. Với đồng tiền ít ỏi này vợ chồng anh vẫn cứ mãi lẩn quẩn trong cái nghèo. Nhiều hôm túng thiếu anh phải đi mua gạo thiếu. Với anh Sang bây giờ, có lẽ niềm hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy vợ con khỏe mạnh và cho con trai anh được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.

Đại sứ Mỹ Tiên – Công ty TNHH NS Bluescope Việt Nam

Trả lời